Về Hiện Trạng của Nghệ Thuật Tây Tạng

Thưa các quý vị học giả, các quý vị quan chức và các bạn,

Vẻ đẹp ở cấp độ ngoại, nội và ẩn mật của Tây Tạng ngày càng rực rỡ hơn trong thế giới ngày nay. Với thời gian, mọi người trên thế giới ngày càng nhận ra đầy đủ hơn những giá trị độc nhất vô nhị của nền văn hóa Tây Tạng. Số người thuộc mọi quốc gia đang học hỏi, nghiên cứu về văn hóa và Phật giáo Tây Tạng nói chung, và những nét đặc thù của Tây Tạng nói riêng, đang không ngừng tăng lên. Nền văn hóa và tôn giáo Tây Tạng đang góp phần truyền thêm sức mạnh cho việc học tập, nghiên cứu, quán chiếu và đem lại bình an cho tâm hồn.

Đây là lần đầu tiên một hội thảo về nghệ thuật được tổ chức ở Tây Tạng, và khách mời là các học giả đến từ nhiều nơi trên thế giới, cùng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tài hoa, họp mặt để bàn luận về tình hình phát triển của nghệ thuật Tây Tạng. Sự kiện này là một dấu hiệu cát tường truyền thêm sức sống cho nghệ thuật Tây Tạng.

Bản thân tôi, tuy là một người yêu văn hóa Tây Tạng, song tôi không phải là một nghệ sĩ được đào tạo đầy đủ, mà chỉ là người có chút ít kinh nghiệm, hiểu biết qua thực tế. Vì vậy, tôi chân thành cám ơn các quý vị đã mời tôi tới cuộc hội thảo này, để tôi có cơ duyên trình bày về một số vấn đề của nghệ thuật Tây Tạng.

Tôi đã được xem nhiều các tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của các miền đất khác nhau, nhờ đó mà nuôi dưỡng cảm hứng đặc biệt và mối quan tâm sâu sắc tới lĩnh vực này. Ngoài ra, bản thân tôi cũng có nghiên cứu ít nhiều về nét đẹp trong nghệ thuật của các quốc gia đó, đặc biệt là cách thức mỗi quốc gia trân quý và gìn giữ truyền thống nghệ thuật của họ.

 

Đâu là nét tinh túy của nghệ thuật Tây Tạng?

Mặc dù nghệ thuật Tây Tạng có một lịch sử phát triển rất lâu đời và rất phong phú hình thức thể hiện, song khắp nơi trên thế giới, cũng như ở quê hương tôi, nơi nào ta cũng có thể nhận thấy lòng say mê và ngưỡng mộ đặc biệt của mọi người đối với nghệ thuật vẽ thangka. Tinh túy và giá trị của nghệ thuật Tây Tạng ẩn trong nghệ thuật vẽ tranh thangka và phong cách thể hiện các vị Bổn tôn (Yidam) Phật giáo. Đây là nét đẹp mà thế giới ngưỡng mộ, và đây cũng là nét chính yếu của văn hóa Tây Tạng. Tinh túy của nghệ thuật thangka nằm ở cách thể hiện các vị Bổn tôn Phật giáo, chứ không phải ở những nét vẽ phong cảnh hay con vật. Chẳng hạn như trong nghệ thuật tranh Rebkong, con ngựa trông không giống con ngựa và con lừa cũng chẳng giống con lừa, nên bạn không thể gọi con vật đó là con ngựa hay con lừa. Cũng như vậy, các bức tranh không thể hiện sự khác biệt giữa chó và chó sói. Nói về cách vẽ cỏ cây hoa lá, thì các bức tranh không chủ đích mô tả cái cây hay bông hoa cụ thể. Và xét về nét vẽ đặc trưng để phân biệt đàn ông với đàn bà, thì cũng không thể tìm thấy gì hơn ngoài kiểu tóc và y phục.

Một người bạn nghệ sĩ Mỹ có lần nói với tôi rằng thời xưa, các họa sĩ Nhật bản vẽ các con hổ trông như những chú mèo hiền lành, có lẽ vì họ chưa bao giờ nhìn thấy một con hổ thật. Điều này có thể khiến người ta sinh thắc mắc tương tự: phải chăng các họa sĩ Rebkong vẽ ngựa giống như lừa vì họ chưa hề được nhìn thấy một con ngựa chăng! Đùa tý thôi!

 

Đạo Phật có quan trọng trong nghệ thuật vẽ thangka hay không?

Nếu không có các họa phẩm thể hiện các vị Bổn tôn Phật giáo trong nghệ thuật Tây Tạng thì hẳn thế giới sẽ không quan tâm tới các hình thức nghệ thuật khác của chúng tôi. Bởi vậy, uy tín của nghệ thuật Tây Tạng phụ thuộc vào truyền thống vẽ tranh thangka này. Các vị Lạt Ma Tây Tạng và các vị Đạo sư Hóa thân (Tulku) đang truyền bá Đạo Phật ra khắp thế giới, và đồng thời các Ngài giới thiệu tới mọi người các vị Bổn tôn Phật giáo. Cho nên, bất kỳ ở nơi nào mà đạo Phật nói chung, và đặc biệt là truyền thống Tây Tạng nói riêng, được truyền bá, thì ở đó đều có mối quan tâm rất lớn đối với tranh thangka. Nhiều người sau đó đã thỉnh tranh thangka như một công cụ hỗ trợ cho công phu hành trì của họ, hoặc coi [các Bổn tôn trong] tranh là đối tượng cúng dường. Yếu tố căn bản khiến cho một bức thangka mang ý nghĩa đặc biệt đối với những người này là việc bức tranh được một vị Đạo sư ban gia trì. Chính vì vậy, việc các bức thangka được bán với số lượng lớn và được cả thế giới biết đến như vậy không chỉ do ở nét vẽ tinh xảo của các họa sĩ Tây Tạng, mà trước hết đó là kết quả hoạt động của các vị Lạt Ma và các vị Đạo sư Hóa thân của Tây Tạng.

 

Hiện trạng của nghệ thuật Tây Tạng?

Truyền thống nghệ thuật tôn giáo Tây Tạng đang có nguy cơ trở thành món hàng thương mại hóa. Trong suốt thời quá khứ, từ khởi thủy các họa sĩ phải có một động cơ trong sáng và là những người hiểu biết uyên thâm. Họ tinh thông và có hiểu biết sâu sắc trước hết nhờ theo học các bậc Đạo sư nắm giữ dòng truyền thừa nghệ thuật vẽ các vị Bổn tôn. Các họa sĩ có lòng tin và kiến giải đúng đắn rằng việc họ làm là nhằm tích lũy công đức và nhận lực gia trì gia hộ. Đó chính là lý do vì sao họ vẽ các vị Bổn tôn và truyền dạy lại nghệ thuật này cho người khác. Yếu tố chính yếu trong nghệ thuật vẽ các vị Hộ Phật là khung phân chia không gian phẳng của thangka theo tỷ lệ thích hợp, và cách thể hiện gương mặt, bàn tay, cơ thể. Nền tảng căn bản cho nghệ thuật vẽ tranh chính là động cơ trong sáng của người nghệ sĩ. Sau khi bức tranh được hoàn tất tới từng chi tiết, nó được ban gia trì và được thực hiện nghi lễ [Mật giáo] hoàn thành bức thangka. Khi đó bức tranh có thể mang lại lợi lạc vô cùng lớn lao cho những người khác.

Tuy thế, giới họa sĩ ngày nay bị cám dỗ bởi lời lãi và có rất ít thời gian để nhận truyền thừa. Họ không còn coi trọng việc bức tranh phải được hoàn thiện trong từng chi tiết và mỗi vị Hộ Phật phải có nét thể hiện riêng tương ứng cùng với tất cả những tỉ lệ thích hợp và chuẩn xác. Thay vào đó, họ chỉ tập trung vào việc thêm thắt các loại hình hoa lá và đủ kiểu dạng [trang trí] cầu kỳ trên trang phục. Đến nỗi đôi lúc đó là toàn bộ những gì mà họ quan tâm và cố phô ra cho người mua thấy. Rốt cuộc, tranh họa sĩ ngày nay vẽ thường đầy những hình người nét mặt thì xấu xí, nhưng lại được bọc trong trang phục đẹp đẽ.

 

Cách thức vẽ và bán tranh thangka của các họa sĩ thời nay

Có nhiều thương gia Trung Quốc và phương Tây tuy có biết về tranh thangka, song lại thiếu kinh nghiệm đánh giá hình thức thể hiện của tranh. Đặc biệt trong việc mua bán, họ chỉ thuần túy quan tâm tới việc tranh thangka của họ có gây ấn tượng với khách hàng hay không. Có những họa sĩ đã kiếm được chút danh thậm chí không hề động vào tranh của họ, mà để học trò vẽ thay. Mặc dầu họ đang thể hiện một vị Bổn tôn quan trọng, nhưng họ lại coi thường ý nghĩa quan trọng của màu sắc, pháp khí, biểu tượng, và bảo trang [của Bổn tôn] (những món nghiêm sức trên thân Bổn tôn – đối tượng thiền quán _ LND). Và họ làm ra vẻ bức tranh của họ là tối hoàn hảo, một khi người ta đã bôi đủ sắc màu sặc sỡ lên đó.

Có lần tôi xem (trong bộ tranh của một thương gia Trung Quốc) bức vẽ một vị Bổn tôn phẫn nộ chín-đầu mười-tám-tay, nhưng trong bức vẽ thì vị Bổn tôn lại có tám tay trái và mười tay phải! Một kết cục không phải do thiếu hiểu biết hay do cố ý, mà do người họa sĩ đã vô trách nhiệm, thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện bức vẽ.

Ví dụ, có những bức vẽ Ngài Tsongkhapa hay Đạo sư Liên Hoa Sanh do những họa sĩ ít nhiều danh tiếng vẽ, vậy mà tòa sen nơi các Ngài an tọa và vương miện trên đầu lại không cân xứng về kích thước. Chẳng lẽ Đức Tsongkhapa và Đạo sư Liên Hoa Sanh thực sự có những cái đầu lớn nhường vậy sao? Tiếp đó, khi xem xét các bức thangka vẽ một tập hội các vị Bổn tôn, chúng tôi thấy có một số chư vị có tới sáu ngón tay, còn một số chư vị khác lại chỉ có bốn ngón tay. Có một số Ngài một mắt to và một mắt bé; một số Ngài không cầm pháp khí, hoặc cầm “nhầm” pháp khí! Chúng tôi còn thấy một sự khác biệt lớn về chất lượng giữa hình ảnh của chư vị ở trung tâm và chư vị xung quanh. Và còn nhiều vấn đề khác nữa. Tuy nhiên, người nước ngoài có ấn tượng tốt về các bức thangka đó là vì họ không nắm bắt được tầm quan trọng của nguyên tắc tỷ lệ thích hợp [trong nghệ thuật thangka] hay ý nghĩa của biểu tượng và pháp khí cầm tay của các vị Bổn tôn.

Hình như có nhiều họa sĩ bị lôi cuốn bởi tham vọng tạo ấn tượng rằng mình thông minh và hiểu biết. Mục đích tối thượng của một bức thangka là tạo niềm tin nơi Giáo Pháp và khơi dậy lòng khát ngưỡng đối với chư Phật. Nếu các bức thangka được gia trì và thực hiện nghi lễ [Mật giáo] thì chúng sẽ có sức mạnh chuyển hóa tâm lớn lao. Tuy nhiên, một số họa sĩ dường như quên mất rằng toàn bộ tâm trí của họ đã bị lôi cuốn vào việc kiếm lời. Họ làm ra vẻ mình đạt chứng ngộ cao và muốn tạo ấn tượng họ là những Phật tử, những đệ tử rất quan trọng. Họ tuyên bố rằng tranh của họ mang lực gia trì, gia hộ nhiều hơn bất cứ bức tranh nào khác, hoặc những hình ảnh trong thangka của họ được thể hiện một cách tự nhiên, chân thực. Họ muốn tán dương chính bản thân họ. Chính những người này luôn miệng nói rằng nghiệp là đáng sợ, trong khi việc họ làm thì chỉ nhằm mỗi một mục đích là kiếm thêm nhiều khách hàng mà thôi.

Chẳng hạn, tôi có nghe nói xung quanh tu viện Kumbum có nhiều tay buôn đã lợi dụng niềm tin Phật giáo của những bạn đạo Trung Quốc. Họ bán cho các bạn đạo này những khăn kakta giá tới mấy ngàn nhân dân tệ và nói rằng những chiếc khăn đó đã được các vị Lạt Ma ban phước. Cũng tương tự như thế, chúng tôi thấy các bạn đạo Trung Quốc của mình bị lừa khi mua tranh thangka. Xét ở một khía cạnh nào đó, ta thấy rằng việc như vậy xảy ra vì [trong quá khứ họ đã tạo] nhân cho quả báo mà họ gặt bây giờ. Nhưng từ một góc độ khác mà xét, thì đó là dấu hiệu của tín tâm mù quáng: do vô minh nên họ dễ bị kẻ khác lợi dụng.

 

Điều tai hại gì có thể xảy ra từ hiện trạng của nền nghệ thuật Tây Tạng?

Tôi tin chắc thực trạng hiện nay của truyền thống thangka Tây Tạng là vô cùng có hại cho tương lai của nghệ thuật này bởi ba lý do sau đây:

1. Nếu động cơ vẽ tranh thangka cuối cùng là để kiếm tiền thì đương nhiên chất lượng của nghệ thuật sẽ bị suy thoái.
2. Chất lượng giảng dạy nghệ thuật Tây Tạng sẽ không thể giữ vững được và truyền thừa chân thực cũng sẽ bị rơi vào suy thoái.
3. Thói tham vật chất của các họa sĩ và việc lừa gạt khách hàng của họ sẽ khiến cho mọi người vỡ mộng về người dân Tây Tạng, cũng như nền nghệ thuật Tây Tạng.

Chẳng hạn như tôi nghe nói, và được tận mắt chứng kiến, có nhiều người thuộc các quốc gia khác nhau lúc đầu có niềm tin nơi Phật giáo Tây Tạng, song đã vỡ mộng khi thấy những hành vi của một vài người Tây Tạng, rõ ràng là trái với Giáo lý nhân quả. Cuối cùng, họ trở nên hoài nghi và phát triển một cái nhìn sai lạc về Phật Pháp, tới mức họ vứt tranh thangka của họ và nhiều thứ khác vào thùng rác, hoặc phát triển một thái độ ác cảm đối với nghệ thuật Tây Tạng.

 

Chúng ta làm gì để bảo tồn giá trị của nền nghệ thuật Tây Tạng?

Nghệ thuật vẽ tranh thangka của Tây Tạng hiện đang có được một số giá trị và vị thế nhất định trên thế giới. Để có thể gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này, để nó luôn giữ được chân truyền và mang tới hạnh phúc cho mọi người trên khắp thế giới, thì điều hết sức quan trọng đối với người nghệ sĩ, là phải có động cơ trong sáng và hành động hợp với Giáo lý nhân quả. Nghệ thuật là thước đo cấp độ cao thấp của đào tạo nghề, của lòng tin, của việc nghiên cứu, học tập, và của con tim. Nói cách khác, tất cả những điều này bộc lộ ra bên ngoài qua nghệ thuật thangka.

Truyền thống nghệ thuật này cũng thể hiện tư tưởng của người dân Tây Tạng nói chung, và thể hiện sự truyền trao giáo lý Phật đà nói riêng. Một điều quan trọng đối với các tu sĩ kiêm họa sĩ, là họ phải ý thức được rằng họ cần phải hành xử hợp với Phật tánh thanh tịnh như họ đã được dạy trong Giáo pháp. Hơn thế nữa, họ đại diện cho những phẩm chất [tốt đẹp] của truyền thống tôn giáo và văn hóa Tây Tạng.

Vì lẽ đó, tôi xin một lần nữa, và một lần nữa, kêu gọi các bạn hãy làm tất cả những gì có thể để phát triển động cơ trong sáng và cách hành xử hợp với Đạo lý, để truyền thống quý báu này có thể làm lợi lạc cho hết thảy mọi người. Sau cùng, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những cuộc hội thảo như thế này. Và đặc biệt, đối với cuộc hội thảo đầu tiên về nghệ thuật Tây Tạng này – tất cả, từ khởi đầu, tới phần giữa, và cho tới kết thúc – đều nhằm mục đích tích lũy công đức và đặt nền móng trên tình hữu nghị. Tôi xin cầu nguyện cho những cuộc hội thảo như thế này sẽ được tiếp tục tổ chức và nghệ thuật Tây Tạng sẽ phát triển ra khắp thế giới, thỏa mãn ước nguyện của hết thảy mọi người.

 

Việt dịch: Hiếu Thiện (Lotsawa), 2012.

Hiệu đính 2018.

CHIA SẺ
Tải về
pdf
word